Sản xuất Dịch vụ giao hàng của phù thủy Kiki (phim 1989)

Quá trình thực hiện

Tháng 12 năm 1985, Group Fudosha xúc tiến một dự án anime điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết thiếu nhi Dịch vụ giao hàng của phù thủy Kiki (魔女の宅急便, Majo no Takkyūbin?)[lower-alpha 1] của Kadono Eiko. Bởi vì từ takkyūbin (宅急便?, "chuyển phát nhanh") trong tên gốc tiếng Nhật của tác phẩm đã được đăng ký thương hiệu từ trước bởi công ty Yamato Un'yu,[lower-alpha 2] họ được mời làm nhà tài trợ của dự án. Thoạt tiên Yamato Un'yu tỏ ra miễn cưỡng vì Kadono đã dùng từ này trong tác phẩm của bà mà không xin phép công ty,[lower-alpha 3] nhưng tình cờ nhân vật mèo mun trong truyện cũng là biểu trưng của Yamato Un'yu,[lower-alpha 4] công ty trở nên sốt sắng hơn và vui vẻ nhận lời.

Mùa xuân năm 1987, Group Fudosha và Yamato Un'yu thông qua Dentsu đã tìm đến Tokuma Shoten, vốn có quan hệ mật thiết với Studio Ghibli. Group Fudosha mong muốn Studio Ghibli sẽ chuyển thể tiểu thuyết của Kadono, do Miyazaki Hayao hoặc Takahata Isao của hãng phim đạo diễn. Tuy nhiên, lúc bấy giờ cả hai người đều bận rộn với các dự án phim Hàng xóm của tôi là TotoroMộ đom đóm. Miyazaki đồng ý làm nhà sản xuất phim vì ông nhận thấy cô bé Kiki có nhiều điểm tương đồng với các nữ chính của Studio Ghibli, trong khi hãng vẫn tìm kiếm ứng viên cho chiếc ghế đạo diễn. Khi Totoro đang tiến những bước cuối cùng, Studio Ghibli bắt đầu chuyển các nhân viên chủ chốt của họ sang làm việc trong dự án Dịch vụ giao hàng của phù thủy Kiki. Kondo Katsuya, người cùng làm việc với Miyazaki trong Totoro, được giao trọng trách thiết kế nhân vật. Ōno Hiroshi được thuê làm chỉ đạo nghệ thuật theo gợi ý của Oga Kazuo. Các nhạc phẩm trong phim sáng tác bởi Hisaishi Joe, người đã soạn nhạc cho tất cả các dự án trước đây của Miyazaki, trong khi ghế chỉ đạo âm nhạc được giao cho Takahata vì lịch làm việc của Miyazaki đã dày đặc.

Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng Miyazaki chọn Katabuchi Sunao làm đạo diễn. Katabuchi từng làm việc cùng Miyazaki trong Meitantei Holmes; nếu mọi việc suôn sẻ, Kiki sẽ là dự án phim đầu tay của Katabuchi trong vai trò đạo diễn. Ban đầu kịch bản phim được giao cho Isshiki Nobuyuki, nhưng Miyazaki đã không hài lòng ngay từ bản thảo đầu vì thấy nó quá khô và khác biệt so với cách nhìn của ông về tác phẩm, và thế là ông tự mình đảm nhận vai trò biên kịch sau khi Totoro hoàn tất. Lúc này Kondō Yoshifumi gia nhập dự án và phụ trách kịch bản phân cảnh, nhưng sau đó chuyển sang làm chỉ đạo hoạt họa. Quá trình sản xuất càng kéo dài, các họa sĩ càng đối mặt với nhiều gánh nặng, nhất là ở nửa sau khi phần hậu cảnh với đám đông quần chúng được lên hình liên tục. Bộ phim hoàn toàn được làm bằng công nghệ hoạt hình vẽ tay truyền thống trên cel, với phần kỹ xảo hoạt họa dựng theo chuyển động máy quay. Các nhân vật được vẽ trên 462 tấm cel có màu sắc khác nhau theo thiết kế của Yasuda Michiyo, giúp cho động tác của họ trở nên uyển chuyển và sống động, với khoảng 25 màu được sử dụng lần đầu tiên.[lower-alpha 5]

Bởi vì tiểu thuyết lấy bối cảnh ở một quốc gia hư cấu phía bắc châu Âu, Miyazaki và các cộng sự đã đi thực địa thắng cảnh và những chi tiết khác phù hợp với thiết lập của tác phẩm. Đoàn làm phim đã đến Stockholm và thị trấn Visby trên đảo Gotland của Thụy Điển, và Adelaide của Úc; họ chụp lại 24 khung hình và quay 80 cuộn phim tại những nơi này rồi dùng chúng làm tư liệu cảnh quan dựng nên thành phố Koriko trong phim.[lower-alpha 6] Để hỗ trợ ý tưởng về kiến trúc của thành phố, Miyazaki đã đích thân đến Ireland vào tháng 5 năm 1988; cảnh quan ở San Francisco, Lisbon, Paris, Napoli và thậm chí là Tokyo cũng được sử dụng đan xen. Vì lẽ đó, Koriko xét theo phương diện nhất định có nét tương đồng với các đô thị ven bờ Địa Trung Hải, nhưng mặt khác lại hao hao giống vùng Biển Baltic, và như được "lý tưởng hóa." Helen McCarthy nhận xét thành phố phỏng theo Stockholm nhộn nhịp trong phim mang lại cảm giác an toàn và độc lập. Miyazaki nói rằng phim lấy bối cảnh trong một thế giới khác, vào những năm 1960 và cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai chưa bao giờ xảy ra.[lower-alpha 7]

Sau khi trở về Nhật Bản, đoàn làm phim bắt tay vào phác thảo cảnh vật và thiết kế nhân vật. Miyazaki đã thay đổi đáng kể cốt truyện, tạo ra những ý tưởng mới và sửa lại những cái sẵn có. Nguyên tác Dịch vụ giao hàng của phù thủy Kiki khác xa so với bộ phim của Miyazaki. Tiểu thuyết thiếu nhi của Kadono được chia thành nhiều chương dành riêng cho những câu chuyện nhỏ về rất nhiều người mà Kiki được gặp cũng như những vấn đề khác nhau mà cô bé phải đối mặt khi giao hàng. Kiki vượt qua mọi thử thách nhờ vào "trái tim nhân hậu" của mình và ngày càng kết được nhiều bạn hơn. Cô bé không gặp phải bất cứ tổn thương hay biến cố dữ dội nào. Nhiều tình tiết kịch tích trong phim, như việc Kiki bị mất quyền năng hay vụ tai nạn khí cầu, không hề có trong tiểu thuyết. Nhằm khắc họa rõ nét hơn sự chật vật của Kiki trong quá trình trưởng thành và trở nên tự lập, vốn là chủ đề của phim, Miyazaki định buộc cô bé phải đối mặt với nhiều thử thách cam go hơn và nếm trải cảm giác cô đơn thật sự. Một trong những thử thách đó là Kiki đột nhiên không thể bay nữa. Chi tiết này trong tiểu thuyết là cây chổi của Kiki bị gãy và cô bé chỉ cần sửa nó là được. Miyazaki nhấn mạnh: "Vì phim luôn tạo ra cảm giác chân thực hơn, Kiki sẽ gặp thất bại nặng nề và cô độc hơn nhiều so với nguyên tác." Kadono vô cùng bất bình trước sự khác biệt này, đến mức dự án có nguy cơ đình trệ từ khâu kịch bản. Miyazaki và Suzuki Toshio, nhà sản xuất của Studio Ghibli, đã đến nhà nữ tác giả và mời bà tham quan xưởng phim. Sau đó Kadono đã đồng ý để dự án đi tiếp.

Miyazaki viết xong kịch bản sơ thảo vào tháng 6 năm 1988 và giới thiệu nó vào tháng 7 cùng năm. Lúc này ông quyết định đảm trách chiếc ghế đạo diễn chính của phim vì đã can thiệp sâu vào quá trình thực hiện, còn Katabuchi trở thành trợ lý đạo diễn theo yêu cầu của nhà tài trợ. Dịch vụ giao hàng của phù thủy Kiki vốn được hoạch định là một bộ phim đặc biệt dài 60 phút, nhưng đã trở thành tác phẩm điện ảnh thật thụ dài 102 phút sau khi Miyazaki hoàn thành kịch bản phân cảnh và truyện phim mới. Bức họa mà Ursula cho Kiki xem trong lần thứ hai đến nhà mình được Miyazaki và Oga Kazuo sao lại từ tác phẩm sơn dầu của các học sinh trường khuyết tật ở Hachinohe, có nhan đề Niji no Ue o Tobu Fune (虹の上をとぶ船, Niji no Ue o Tobu Fune? tạm dịch: Con tàu bay qua cầu vồng). Hayashi Akiko, họa sĩ minh họa tiểu thuyết nguyên tác, là người thực hiện biểu trưng xuất hiện trên màn hình tựa đề đầu phim. Áp phích chính thức đầu tiên miêu tả cảnh Kiki đang tươi cười bay trên cây chổi của mình qua thành phố Koriko với đàn hải âu chao liệng xung quanh, nhưng Suzuki Toshio đã yêu cầu đổi sang áp phích mới với Kiki đang ngồi trông quầy bánh mì một cách buồn bã, nhằm tạo ấn tượng rõ nét hơn về cảm xúc thất thường của tuổi dậy thì.

Chủ đề và phân tích

Hình tượng đầu tiên về Kiki khi chúng tôi nhìn thấy cô bé là trong hình hài một phù thủy nhỏ bay ngang qua bầu trời đêm nơi đô hội. Vô vàn ánh sáng lung linh, nhưng không có lấy một ngọn đèn vỗ về dẫn lối cho cô bé. Cô bé hoàn toàn cô lập khi bay trên trời. Có cảm tưởng như quyền năng bay lượn sẽ giải phóng ai đó khỏi mặt đất, nhưng sự tự do này đi kèm với những trăn trở và nỗi cô đơn. Nữ chính của chúng tôi là một cô gái tự xác định bản thân bằng khả năng bay.[...] Tôi nghĩ bộ phim này sẽ làm được mục tiêu với đến công chúng bằng cảm giác gắn kết những khản giá trẻ tuổi của chúng tôi: những cô gái trẻ sống trong thời đại này không chối bỏ niềm hân hoan của tuổi thanh xuân, nhưng cũng không bị nó lấy đi bản ngã, mà bị giằng xé giữa tự do và sự phụ thuộc. [...] Đồng thời tôi cảm thấy tiềm năng cơ bản của bộ phim này như một tác phẩm giải trí, và nó sẽ truyền cảm hứng cho sự đồng cảm nơi người xem.

Miyazaki Hayao

Nhiều khía cạnh về hành vi và ngoại hình của Kiki đã trở thành trung tâm của các bài thảo luận. Một chủ đề quan trọng là quá trình trưởng thành của cô bé. Sống trong sự yêu thương của cha mẹ cũng là những người ủng hộ con cái tự lập, Kiki phải đối mặt với những vấn đề thường thấy ở thanh thiếu niên như mưu cầu việc làm, muốn được người khác chấp nhận và tự chăm sóc bản thân. Sự nhạy cảm và mong manh của cô bé được thể hiện rõ nét trong phim. Tình tiết vào đêm đầu tiên Kiki ngủ xa nhà tại tiệm bánh mì: Buổi sáng thức dậy, cô bé mặc nguyên bộ đồ ngủ lao thẳng xuống buồng vệ sinh dưới sân và hoảng hốt nấp sau cánh cửa khi ông chủ tiệm bánh Fukuo thình lình xuất hiện. Sau khi Fukuo giãn cơ xong và đi khỏi, Kiki bổ nhào về phòng mình, vội vã đóng cửa lại và thở phào nhẹ nhõm. Nhà phê bình Mark Schilling nhận xét: "Cảnh này hoàn toàn không ăn nhập gì đến cốt truyện và mức độ gây cười cũng rất thấp... nhưng... nó đã thầm — một cách hùng hồn — biểu lộ sự non nớt, dễ bị tổn thương và cô lập của Kiki." Một chủ đề khác là sự chuyển dịch từ truyền thống sang hiện đại; ở Kiki có sự cân bằng của cả hai yếu tố này. Chẳng hạn như, Kiki vẫn theo truyền thống mặc váy thụng màu đen của phù thủy, nhưng lại cài lên tóc một chiếc nơ màu đỏ thắm. Kiki cũng sử dụng các phương thức truyền thống khác, như nướng bánh bằng lò củi và dùng chổi cũ của mẹ. Nhiều hơn một lần cô bé tỏ ra ngưỡng mộ phong cách ăn mặc của những bạn đồng trang lứa và mốt thời trang tân thời.

Việc Kiki mất khả năng bay cũng là một chủ đề thảo luận. Đây được xem như biến cố tồi tệ nhất Kiki gặp phải trong bộ phim. Nó phản ánh hệ quả liên đới của sự đánh mất lòng tin vào bản thân nơi cô bé. Tuy nhiên, sự cố này giúp Kiki nhận ra yếu đuối không phải lúc nào cũng dẫn đến thất bại. Về cơ bản, trải nghiệm này chứng minh rằng sự mong manh, nhạy cảm ấy có thể giúp một người học được những bài học đắt giá và hiểu hơn về chính mình. Kiki hoàn toàn không phải đối đầu với bất cứ ngoại thù nào trong phim, dù một số người nói vụ tai nạn khí cầu chính là ví dụ. Ngoài ra Kiki còn mất khả năng nói chuyện với chú mèo Jiji.[lower-alpha 8] Miyazaki nói Jiji là "mặt trẻ con" của Kiki, và việc ông khiến cho Kiki không thể nói chuyện được với Jiji kể cả khi cô bé đã lấy lại khả năng bay nhằm cho thấy Kiki đã trưởng thành và không còn cần đến "bản thể kia" của mình nữa. Miyazaki nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất với Kiki là [...] liệu cô bé có thể tự mình giao tiếp với nhiều người không. Chừng nào còn bay trên cán chổi với chú mèo của mình, cô bé vẫn tự do. Nhưng để sống trong một đô thị, để bắt đầu rèn luyện, nghĩa là Kiki phải có khả năng tự mình đi lại trong thành phố và giao thiệp với mọi người mà không cần cây chổi hay chú mèo."

Xoay quanh hình tượng phù thủy của Kiki, một số người đã mang quan điểm của người xưa và thời nay về phù thủy và ma thuật ra so sánh. Bộ phim sử dụng một số quy ước trong các câu chuyện cổ tích như cộng sự mèo đen, việc Kiki dùng chổi để bay và chiếc váy đen. Dẫu truyền hình Nhật Bản không thiếu những cô gái sở hữu ma pháp, song Miyazaki nhấn mạnh "phép thuật luôn chỉ được xem như công cụ hiện thực hóa ước mơ của những cô gái trẻ. Họ trở thành thần tượng không chút khó khăn." Ngược lại Kiki không thể sử dụng quyền năng của mình làm công cụ thực hiện ước mơ được. Kiki còn được so sánh với các nhân vật khác của Miyazaki. Mặc dù có sự khác biệt rõ nét trong tính cách và động thái giữa Kiki và San trong Mononoke Hime, cả hai nhân vật này đều làm chủ cuộc đời mình. Chủ đề tự lập cũng được truyền tải trong các bộ phim trước đó của Miyazaki, ví như công chúa Nausicaä trong Kaze no Tani no Nausicaä. Kiki còn được so sánh với Chihiro trong Sen và Chihiro ở thế giới thần bí ở điểm: họ đều là những cô gái trẻ mong muốn sống tự lập mà không tỏ ra chống đối. Chihiro tự lập hơn nhờ bạn bè và cha mẹ, cũng giống như Kiki rời khỏi quê nhà với sự chúc phúc của Okino và Kokiri.